Chân dung tượng Khuyến Thiện, chùa Bút Tháp.
Trong hệ thống tượng Hộ pháp được tôn trí tại không gian chùa Bắc Bộ Việt Nam, tượng Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác là bộ tượng tương đối đặc biệt. Từ tên gọi cho đến cách tạo hình phóng to kích thước tỉ lệ trong không gian chùa cũng như cách sử dụng đường nét, màu sắc và họa tiết trang trí trên tượng, bộ tượng mang tính chất đối nghị, tương phản, vừa uy nghi, dữ tợn vừa gần gũi, bao dung. Tượng Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác góp phần hoàn thiện hệ thống tượng chùa, qua đó chuyển tải ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo Việt Nam.
Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác trong quan niệm, tín ngưỡng và không gian Phật giáo Việt Nam
Về ngôn ngữ, “Hộ Pháp” bao gồm “Hộ” là sự giúp đỡ, che chở, giữ gìn, còn “Pháp” là chân lý và lời dạy của Phật. Hộ pháp là sự kiên trì, bền bỉ thực hành lời Phật dạy, hộ trì giáo pháp của Đức Phật và làm cho giáo pháp đó còn mãi ở thế gian. Trong Phật giáo, Hộ pháp là những vị thần phát tâm hộ trì chánh pháp (Chân lý và lời dạy của Phật).
Tương truyền xa xưa, các vị Thiện thần đã đến để hộ trì Phật pháp. Họ có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng. Có quan niệm cho rằng, Hộ pháp là hiện thân tiền kiếp nhiều đời của Bồ tát. Hộ pháp là những vị Thiện thần luôn tự nguyện hỗ trợ, bảo vệ Phật pháp và Phật tử. Mục đích của Hộ pháp là bảo vệ, ủng hộ cho Phật pháp được phát triển và trường tồn, mang lại "lợi lạc quần sinh" cho thế gian.
Trong các ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ, không đầy đủ các tên gọi tượng Hộ pháp như trong kinh sách đã nhắc đến. Thông thường, chỉ phổ biến một số bộ tượng Hộ pháp sau: Bát Bộ Kim Cương, Vi Đà, Khuyến Thiện - Trừng Ác, Phạm Thiên - Đế Thích, Thiên Lý Nhãn - Thiên Lý Nhĩ, Tứ Thiên Vương. Tượng Hộ pháp xuất hiện sớm nhất ở thời Lý dưới hình thức Kim Cương, canh gác bốn góc tháp. Thế kỷ XVIII xuất hiện tượng Hộ pháp Vi Đà trong không gian chùa. Thế kỷ XIX nở rộ các bộ tượng Hộ pháp như Khuyến Thiện - Trừng Ác, Tứ Thiên Vương, Phạm Thiên, Đế Thích, Thiên Lý Nhãn - Thiên Lý Nhĩ, Tứ Thiên Vương được tôn trí từ Tiền Đường, Thiêu Hương đến Thượng điện chùa. Nhìn chung, các hệ tượng Hộ pháp trong chùa Việt thường chia làm hai loại là thiện thần và ác thần. Thiện thần khuyến khích chúng sinh làm điều thiện, ác thần trừng trị cái ác, cảm hóa cái ác đi đến cái thiện. "Các Hộ pháp có một điểm chung là hộ trì Phật pháp không cho cái xấu, cái ác trà trộn vào, giúp con người thanh tĩnh, từ bi, một tâm hướng Phật".
Chân dung tượng Trừng Ác, chùa Bút Tháp.
Tượng Hộ pháp tuỳ vào chức năng hộ pháp, trấn trừ hay canh giữ được bài trí theo các tầng không gian trong chùa theo quan niệm Phật giáo. Lần lượt từ tháp cho đến Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, các tượng Hộ pháp được bài trí uy nghiêm. Hộ pháp canh gác bốn góc tháp Phật có Bát Bộ Kim Cương, đó là tám vị thần tướng có tấm lòng kiên định, trong sáng như kim cương không một sức mạnh, dục vọng nào có thể lay chuyển. Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác có mặt đỏ dữ tợn, tay cầm pháp khí; Hộ pháp Khuyến Thiện mặt trắng hiền từ, tay nâng viên ngọc. Tượng phổ biến trong các chùa Việt từ thế kỷ XIX.
Tạo hình và ý nghĩa biểu tượng của tượng Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác trong không gian chùa Bắc Bộ Việt Nam
Chân dung tượng Trừng Ác, chùa Dương Liễu.
Về cấu trúc
Tượng Hộ pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác được tạo hình mang tính hoành tráng, uy nghi. Tượng có cấu trúc chung theo khối hình tam giác vững chãi gồm một vị thần lực lưỡng trong trang phục võ tướng, ngồi oai vệ trên mình sư tử. Cách tạo dáng ngồi, tay, vai, chân là sự phối hợp của hai thế ngang dọc vững chãi: vai ngang, thân thẳng, chân ngồi mở rộng, một chân đặt vuông vức xuống mặt đất, một chân đặt trên đầu sư tử nằm ngang. Tay tượng cũng được bố trí tạo thế ngang dọc với tổng thể tượng: Một tay đặt thẳng lên đầu sư tử hoặc chống lên đùi, một tay cầm đao hoặc truỳ, kiếm dựng thẳng đứng hay cầm ngọn núi.
Về tạo hình trang phục
Trang phục của tượng Khuyến Thiện - Trừng Ác là bộ giáp phục của võ tướng, gồm mũ, áo giáp, quần và hài.
Mũ hay còn gọi là Kim Khôi gồm các bộ phận: Thân, đai, viền mũ, chóp mũ (có thể có gắn các vật linh), hai bên mũ gắn hai dải lụa dài cùng các hoa văn trang trí. Mũ tượng Khuyến Thiện - Trừng Ác có một số dạng sau: đỉnh mũ có hình bình cam lộ, hình lá sen úp, hình hồ lô, phía trước diềm mũ được trang trí cầu kỳ với một số hoạ tiết: rồng, mặt trời lửa, mây cuộn, hoa cúc, hoa chanh… Mũ tượng chùa Bút Tháp đỉnh có hình lá sen úp. Chính giữa diềm mũ là hình hổ phù nhỏ, hai bên có mặt hổ phù được đắp nổi hình mây cuốn. Tượng chùa Thầy, đỉnh mũ có hình hồ lô, hai bên diềm mũ trang trí những bông hoa cúc nhỏ. Mũ tượng chùa Dương Liễu đỉnh mũ tròn, phía trước trang trí rồng chầu mặt trời, xung quanh là ngọn lửa cách điệu, xen lẫn hoa cúc. Diềm mũ phía trước có hình hổ phù nhỏ, phía trên là quả cầu lửa.
Về trang trí trên tượng
Trong các tượng chùa, hệ thống tượng Hộ pháp Kim cương và đặc biệt là tượng Khuyến Thiện - Trừng Ác được trang trí cầu kì. Trên thân tượng hệ thống hoa văn dày đặc, đan xen cầu kỳ, nhưng có hệ thống, không làm rối mắt. Hoa văn có chính phụ, to nhỏ lớp trước sau, trên dưới, dày thưa. Trên thân tượng có một số hoa văn trang trí phổ biến như mặt hổ phù, rồng, nghê, mây, sóng nước, hoa lá cách điệu. Trong đó, hoạ tiết quan trọng được sử dụng nhiều nhất