Ca khúc "Thà Như Giọt Mưa" do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ "Khúc Tình Buồn" của Nguyễn Tất Nhiên đã từ đầu thập niên 1970 trở đi được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn suốt một thời gian dài. Ca khúc này đặc biệt được giới học sinh - sinh viên yêu thích bởi nó rất phù hợp với tâm trạng của giới trẻ.
Bài thơ "Khúc Tình Buồn" được Nguyễn Tất Nhiên viết từ khi ông 14 tuổi, dành tặng cho một cô bạn học tên là Duyên khi cả hai cùng học tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa. Tình cảm sâu đậm của Nguyễn Tất Nhiên dành cho Duyên là nguồn cảm hứng để ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng chỉ để tặng riêng cho cô.
Theo chia sẻ của chính Nguyễn Tất Nhiên: "Thuở ấy, tôi yêu một người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học của tôi trong sạch, ngây ngô và dễ thương quá. Bây giờ, khi nhìn lại, tôi hối tiếc vô cùng."
Những cơn mưa thường mang đến những tâm trạng buồn lẫn lộn, khơi nguồn niềm nhớ, và những giọt mưa gợi lên cảm xúc cho những tâm hồn đa sầu đa cảm. Nhưng để mong muốn trở thành giọt mưa "vỡ", mưa "khô" và mưa "ôm" tượng đá thì không phải ai cũng có ước mơ đó, vì đó là tâm tư của những người đang mang "nỗi sầu vạn kiếp" thất tình, chỉ có lúc buồn thảm vì tình yêu không như mong muốn, mới có thèm làm giọt mưa, trong tâm tưởng mình là một giọt đã vỡ buồn trăm năm trước trên mặt tượng đá cô đơn.
Khi đứng trước cơn mưa (mưa ngoài đời hay mưa trong lòng?), ta tưởng như người trong mộng xuất hiện từ đâu, từ hằng trăm năm trước trở về đi ngang qua dòng sông rộng. Câu "người từ trăm năm về ngang sông rộng" được lặp lại khiến người nghe cảm nhận tình cảnh của người lẻ loi, buồn thương đứng chờ người yêu đi ngang qua dòng sông rộng của cuộc đời đầy sóng gió trong tình trường.
"Ta ngoắc mòn tay" để gọi em, "ta ngoắc mòn tay" là biểu lộ tấm lòng đầy yêu thương mòn mỏi trông chờ. Nhưng dẫu có gọi mãi, "ta ngoắc mòn tay" vẫn "chỉ thấy sông lồng lộng, chỉ thấy sông chập chùng". Một tình cảnh chất chứa những hy vọng cạn kiệt mà chỉ nhận lại là những sóng nước chập chùng và một dòng chảy vô tình.
Người từ trăm năm về "khơi tình động". Chỉ ba từ "khơi tình động" đã làm người nghe cảm nhận nỗi tình bi thương từ khi em đến khơi bão tàn phá cho ta. Người về âm thầm nhưng mãnh liệt đánh thức tình yêu trong lòng, và bắt đầu khơi lên một cuộc tình trong mộng nhưng không được êm đềm hạnh phúc cho một kẻ cuồng si.
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân quanh cuộc tình đơn phương. Em thì mãi vô tâm, làm cho ta mãi ôm "nỗi sầu khổ dịu dàng" qua mấy năm tháng. Thời gian cũng mãi vô tình giống như em, không biết đời cạn, tình cạn theo những dấu chân truy đuổi bóng hình.
"Người từ trăm năm về như dao nhọn". Câu hát được lặp lại khiến người nghe cảm nhận sự đau khổ và thông cảm với trái tim đau khổ của người trong cuộc bị "dao vết ngọt đâm". Em đã từ trăm năm về như đâm vào ta một vết dao nửa đau đớn, nửa êm ái. Vết thương tình ái ngọt ngào và đau đớn không nguôi.
Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm. Ta chạy cho tàn hơi thở, chạy cho mù đời để sáng suốt thỏa dạ lòng yêu. Sợi tóc người đã vướng để ta quỵ té trên đường đời, hình ảnh yêu thương thật như học trò dễ thương, bên cạnh đó là dự cảm đau khổ từ "người về phai tóc nhuộm".
Người từ trăm năm về ngang trường Luật. Ta hỏng Tú Tài, ta đợi ngày đi. Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc.
Thà là giọt mưa vỡ trên mặt em, thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên. Để ta nghe tiếng mưa vội đến, những giọt run run, ướt ngọn lông măng, những giọt run run, ướt ngọn lông măng.
Đoạn cuối không còn là giọt mưa vỡ trên tượng đá nữa mà là giọt mưa vỡ trên mặt Duyên. Dẫu thất tình đến mức quay cuồng, nhưng thi sĩ vẫn mong một ngày nào đó người trong mộng của mình sẽ "đau khổ ăn năn" và "đau khổ muôn niên" khi Duyên không đáp lại tình yêu của Nhiên. Giới trẻ Sài Gòn thời xưa đã thích thú trước những câu thơ dỗi hờn rất trẻ con như vậy của chàng thi sĩ. (Thực ra là do nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào chứ không có trong bài thơ gốc).
Về cơ duyên gặp gỡ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đã dẫn đến việc ra đời của Thà Như Giọt Mưa và một loạt ca khúc nhạc phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên như "Hai Năm Tình Lận Đận", "Em Hiền Như Masoeur", "Anh Vái Trời"... Chính thi sĩ Du Tử Lê đã kể lại rằng một ngày nọ, Nguyễn Tất Nhiên đã có một đề nghị táo bạo: Nhờ Du Tử Lê giúp ông ngỏ lời đến Phạm Duy để ông phổ nhạc cho thơ Nguyễn Tất Nhiên, người lúc đó chỉ là một tên tuổi vô danh và đang tạm trú tại nhà Du Tử Lê mỗi khi từ Biên Hòa lên Sài Gòn.
Phạm Duy, người đã ngự trên đỉnh cao trong giới nhạc sĩ miền Nam suốt vài chục năm, không chỉ nổi tiếng với việc sáng tác thông thường, mà còn là một chuyên gia phổ nhạc cho thơ. Với những nốt nhạc được ví như "phù thủy", ông có thể "hóa phép" để những bài thơ và những thi sĩ tương đối lạ lẫm được cả nước biết đến cho tận ngày nay. Đó là Phạm Thiên Thư với "Ngày Xưa Hoàng Thị", Huyền Chi với "Thuyền Viễn Xứ", Vũ Hữu Định với "Còn Chút Gì Để Nhớ", hay Phạm Văn Bình với "Chuyện Tình Buồn"...
Vì cùng ở trong làng văn nghệ, Du Tử Lê đã có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc chung với nhạc sĩ Phạm Duy, nên ông đã đồng ý giúp đỡ.
Chỉ sau 3 ngày nhận được tập thơ "Thiên Thai" của Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy thông báo với Du Tử Lê rằng đã gần hoàn thành việc phổ nhạc cho bài thơ "Khúc Tình Buồn" trong tập "Thiên Thai". Ông còn nói rằng, với kinh nghiệm và tài năng nhiều năm viết nhạc, đó sẽ là một ca khúc "ăn khách" vì nó mang những tư tưởng phù hợp với giới trẻ ngày nay, như câu hỏi "Có còn hơn không..." Đúng như dự đoán của Phạm Duy, chỉ trong một thời gian ngắn, ca khúc đã trở thành một "top hit" với giọng hát của Duy Quang. Cùng với đó, Phạm Duy còn phổ nhạc cho nhiều bài thơ khác như "Hai Năm Tình Lận Đận", "Em Hiền Như Ma Soeur", "Anh Vái Trời" và "Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ". Với những ca khúc này, Phạm Duy không chỉ quảng bá giọng hát của con trai mình - ca sĩ Duy Quang, mà còn giúp Nguyễn Tất Nhiên trở thành một thi sĩ trẻ sáng giá nhất thời đó.
Đó là những câu chuyện xuyên suốt quãng đời sáng tác và cảm nhận về ca khúc "Thà Như Giọt Mưa" của hai nhân vật tài danh Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên.