18 sắc phong cổ dài khoảng 1,3 mét, ngang 0,5 mét, từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Những tài liệu quý này được Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phát hiện trong chuyến đi điền dã tìm hiểu các tư liệu cổ tại những đình làng ở vùng quê Cổ Luỹ, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa.
![]() |
Các bức sắc phong cổ lưu giữ ở chùa Hoa Sơn. Ảnh: Trí Tín |
Theo Tiến sĩ Vũ, đây chủ yếu là những sắc phong của triều Nguyễn ban cho nhân dân địa phương thờ Quang Chiếu Vương (Mai Đình Dõng) – người được Chúa Nguyễn Hoàng giao nhiệm vụ trấn giữ vùng đất Quảng Nam xưa (từ đèo Hải Vân đến Phú Yên) vào cuối thế kỷ 16; Lương Văn Chánh – người có công khai mở vùng đất Phú Yên vào năm 1611.
Một vài sắc phong ban cho dân phụng thờ Phi Vận Tướng Quân (Nguyễn Phục) – giữa cuối thế kỷ XV đời vua Lê Thánh Tông và một nhân thần họ Quảng (chưa rõ tiểu sử).
Tiến sĩ Vũ cho biết, sự khác biệt của những sắc phong này so với hàng trăm sắc phong mà ông đã tìm thấy nhiều năm qua trên vùng đất Quảng Ngãi, là do triều đình nhà Nguyễn ban cho nhân dân địa phương phụng thờ người có công trạng với đất nước. Đặc biệt là các công thần khai mở vùng đất phía Nam của tổ quốc.
![]() |
Sắc phong Quan Chiếu Vương (Mai Đình Dõng) năm Minh Mạng thứ ba (1822). Ảnh: Trí Tín |
“Ở những nơi khác thường chỉ tìm thấy các sắc phong chủ yếu là phụng thờ thiên thần, nhiên thần như Tứ vị Thánh Nương, Ngũ Hành Thượng Giới, Thiên Y A Na, Nam Hải Đại tướng quân…”, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nói.